Xuất bản thông tin

null Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông: Một trong những giải pháp đột phá chiến lược của tỉnh

Chi tiết bài viết Tin tức

Đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông: Một trong những giải pháp đột phá chiến lược của tỉnh

(Ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

* Phóng viên (PV): Theo ông, những bước ngoặt đáng nhớ nào trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh từ 30/4/1975 đến nay?

Ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp

- Ông Lê Hoàng Bảo (L.H.B.): Sau khi thống nhất đất nước, ngành giao thông vận tải Đồng Tháp tiếp quản cơ sở vật chất hạ tầng giao thông cầu, đường trong tình trạng hết sức nghèo nàn và đang xuống cấp. Các tuyến đường được xây dựng phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở các huyện phía Nam sông Tiền (tỉnh Sa Đéc cũ) gồm: Quốc lộ 80, 3 tỉnh lộ: TL23, TL29, TL37 và 3 huyện lộ: HL2, HL5, HL45 dài tổng cộng 183km. Riêng phía Bắc sông Tiền (tỉnh Kiến Phong cũ) chỉ có Quốc lộ 30 dài 83km và chỉ lưu thông được từ Cao Lãnh đến Hồng Ngự, TL28 đi từ phà Cao Lãnh đến thị xã Cao Lãnh. Toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười hoàn toàn không có đường bộ...

Theo tôi, bước ngoặt đáng nhớ là giai đoạn 1976 - 1985đẩy mạnh việc tiến công Đồng Tháp Mười. Ngành giao thông vận tải cùng với các huyện, thị xã vận động, huy động hàng chục ngàn người dân kết hợp với số phương tiện cơ giới còn hạn chế để tiến hành đắp đất nền Đường Thét vào Đồng Tháp Mười. Giai đoạn này, tỉnh phát triển mới hệ thống giao thông đạt những kết quả đáng kể, xây dựng được những tuyến mới như: tuyến Tân Mỹ - Vĩnh Thạnh (nay là ĐT.849); tuyến An Long - Tam Nông (nay là ĐT.844), Đường Thét 1, Đường Thét 2, Đường Thét 3, Đường Thét 4 (nay là ĐT.847, ĐT.846) và tuyến Nàng Hai từ Quốc lộ 80 đến Tân Quy Đông.

Giai đoạn 1986 - 1995mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển mạnh, đáng chú ý là đã mở thành công 3 tuyến đường nối dài từ Quốc lộ 30 tiến sâu vào trung tâm Đồng Tháp Mười, đó là: tuyến Đường Thét - Mỹ An - Bằng Lăng dài 34km (ĐT.846); tuyến đường An Long - Tam Nông - Trường Xuân dài 45km (ĐT.844); tuyến đường Hồng Ngự - Sa Rài - Tân Thành dài 24km. Riêng 2 tuyến đường Quốc lộ 30 và Quốc lộ 80 cuối năm 1995 được cán đá, tráng nhựa hoàn chỉnh với tổng chiều dài 133km, đến hết năm 1996 với 1.700m cầu trên Quốc lộ 30 được bê tông hóa toàn bộ.

* PV: Ký ức sâu sắc nhất của ông về phát triển hệ thống giao thông đường bộ ở tỉnh ta?

- Ông L.H.B.: Sau hơn 4 năm thi công, ngày 27/5/2018, cầu Cao Lãnh - cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền huyện Lấp Vò và TP Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Dự án cầu Cao Lãnh có tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam. Đây là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mekong, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cầu Cao Lãnh tháo gỡ một trong những nút thắt giúp người dân từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang rút ngắn khoảng 2 giờ. Niềm vui lớn nhất của người dân khu vực này là đưa hàng hóa sang sông mà không cần chờ phà. Đặc biệt hơn, cầu Cao Lãnh giúp Đồng Tháp thoát khỏi cảnh chia cách Nam sông, Bắc sông, nối vào tuyến đường Hồ Chí Minh liền Nam - Bắc. Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng có kiến trúc đẹp, công nghệ hiện đại, mở ra ý tưởng mới từ Tây Nam Bộ liên kết với các nước trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là giảm ùn tắc giao thông. Cùng với cầu Cao Lãnh hoàn thành, các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 30 được đánh thức, mở ra nhiều cơ hội mới cho Đồng Tháp phát triển công nghiệp, du lịch...

Quốc lộ N2B qua địa bàn tỉnh

Bên cạnh đó, tỉnh được Trung ương, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường các tuyến Quốc lộ như: Quốc lộ 54, Quốc lộ 80, Quốc lộ 30 và tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã từng bước tạo ra diện mạo mới, khắc phục điểm nghẽn, địa thế “khuất nẻo” của Đồng Tháp về giao thông đường bộ, tạo điều kiện đi lại của người dân, góp phần phát triển về kinh tế - xã hội, kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến vùng Đất Sen hồng.

PV: Việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

- Ông L.H.B.: Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có đặc điểm chung của vùng, đồng thời với vị trí địa lý bất lợi, chia cắt bởi sông Tiền, sông Hậu và tuyến Quốc lộ 1A không đi qua nên việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; thời gian đi lại, chi phí logistics còn cao. Đặc biệt, khả năng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ còn hạn chế. ĐBSCL nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng xác định hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất cho sự phát triển của khu vực.

Nhận thức được tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Kết luận số 203-KL/TU ngày 27/9/2021 và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 342/KH-UBND thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả, phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Trung ương đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông Quốc lộ, cao tốc qua địa bàn tỉnh. Từ đó, hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Tháp sẽ cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2030, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và cả khu vực.

* PV: Những định hướng phát triển hệ thống giao thông, công trình trọng điểm sắp triển khai trên địa bàn tỉnh?

- Ông L.H.B.: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và còn nhiều yếu kém, thu hút đầu tư còn hạn chế, thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm”. Đồng thời xác định “đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị...”. Đây là 1 trong 5 giải pháp đột phá chiến lược của tỉnh trong thời gian tới nhằm khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng có kiến trúc đẹp, công nghệ hiện đại (Ảnh: Nhật Khánh)

Đối với Quốc lộ, tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông Quốc lộ. Cụ thể, hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 30 TP Cao Lãnh; đầu tư nâng cấp Quốc lộ N2B lên thành cao tốc; đầu tư mới tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; phối hợp triển khai tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp; cao tốc đoạn Hồng Ngự - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh)... Sau khi các tuyến cao tốc, Quốc lộ này hình thành là tiền đề quan trọng trong việc liên kết vùng đảm bảo kết nối, giao thương, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics, đặc biệt là kết nối với các trung tâm lớn như: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và miền Đông Nam Bộ.

Đối với các tuyến đường tỉnh, tiếp tục thực hiện hoàn thành các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số nguồn vốn đầu tư khoảng 11.153 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng một số dự án quan trọng như: xây dựng tuyến ĐT.857 (đoạn Quốc lộ 30 - ĐT.845), đường ĐT.845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước, nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.842, mở rộng đường ĐT.849 đoạn từ ĐT.848 đến Quốc lộ 80, nâng cấp hệ cầu trên đường ĐT.844 (đoạn Tràm Chim - Trường Xuân)... Đặc biệt, Dự án hạ tầng giao thông khu vực Nam sông Tiền cùng với TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường kết nối liên vùng từ Sa Đéc đến cầu Ô Môn nhằm kết nối liên vùng tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) theo Quyết định số 278/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành Nam - Báo Đồng Tháp (thực hiện)