Xuất bản thông tin

null Mekong Connect: Đồng Tháp hướng đến liên kết vùng, chuyển đổi số

Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Mekong Connect: Đồng Tháp hướng đến liên kết vùng, chuyển đổi số

Từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), sau đó thêm Thành phố Hồ Chí Minh, Mekong Connect đã trở thành diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, lãnh đạo chính quyền, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong, ngoài nước và các đối tượng có mối quan tâm đến sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên kết vùng chặt chẽ hướng đến phát triển toàn diện

Trải qua 6 lần tổ chức, từ năm 2015 đến nay, diễn đàn đã phân tích, mổ xẻ toàn diện các vấn đề cấp bách mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt, từ việc phát huy tài nguyên bản địa, liên kết giá trị đồng bằng và đưa sản phẩm dịch vụ vào chuỗi giá trị toàn cầu đến việc phục hồi kinh tế, hướng đến phát triển bền vững v.v..

Thời gian qua, Đồng Tháp và các tỉnh: An Giang, Bến Tre và thành phố Cần Thơ đã có những hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là với An Giang khi 02 tỉnh đã có những ký kết toàn diện về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Những nội dung hợp tác mang tính chiến lược như: Hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác về giao thông vận tải, tài nguyên môi trường v.v..

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp và An Giang thực hiện ký kết “Chương trình hợp tác
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022
 - 2025” với nhiều nội dung hợp tác chiến lược

Vừa qua, Đồng Tháp, An Giang và Công ty Cổ phần NovaGroup (NovaGroup) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City).

Theo đó, dự án Mekong Smart City sẽ được triển khai trên địa bàn huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang. Đây sẽ là điểm hấp dẫn thu hút du lịch, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế cả nước, Đồng Tháp cũng triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương như: Tham gia các hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư. Điển hình như tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thường niên với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, nông dân v.v..

Tuần hàng đã góp phần kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa Đồng Tháp với hệ thống phân phối lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích trưng bày, giới thiệu sản phẩm Đồng Tháp.

Đồng Tháp cũng khai trương cửa hàng đặc sản tại địa chỉ 193 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để trưng bày và bán các mặt hàng đặc sản Đồng Tháp, từ trái cây, rau củ cho đến bánh phồng, hủ tiếu v.v..

Ngoài ra, tỉnh cũng tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, liên kết Hội quán, doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp với hệ thống doanh nghiệp, siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung ứng hàng hóa.

Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thường niên

với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, nông dân

Với Bến Tre, 02 tỉnh cũng bắt đầu có những chuyến tham quan để tìm hiểu các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng hình ảnh địa phương, đồng thời thảo luận về tiềm năng hợp tác sắp tới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giống cây trồng, liên kết tiêu thụ nông sản v.v..

Do đặc điểm tương đồng của 02 địa phương là đều có làng hoa lớn nên vừa qua, chính quyền 02 tỉnh đã có những trao đổi để thành phố Sa Đéc hoàn thiện, chuẩn bị chu đáo cho Festival hoa Xuân Sa Đéc diễn ra vào dịp Tết năm nay.

Riêng với thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp chú trọng vào việc kết nối hạ tầng giao thông để góp phần tăng cường giao thương, hợp tác đầu tư. Vừa qua, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo Sở, ngành đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về đề xuất Dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam Sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp với thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang.

Tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy toàn diện tăng trưởng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Thời gian qua, Đồng Tháp rất chú trọng chuyển đổi số, hướng đến 03 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030.

Trong nông nghiệp, ngoài ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất thì chính quyền cũng đã tập huấn cho nông dân cách sử dụng nền tảng số vào việc quản lý sâu bệnh, mùa vụ; tiếp cận diễn biến thị trường; kết nối số với doanh nghiệp, khách hàng nhằm chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2022, Đồng Tháp sẽ chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm” để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn bước đầu do người nông dân vẫn quen lối sản xuất nông nghiệp truyền thống; chưa có mô hình mẫu và chuyển đổi số cho từng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhưng tỉnh vẫn rất kiên định với định hướng đề ra nhằm xây dựng hình tượng người nông dân hiện đại, hướng đến phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hy vọng thời gian tới, liên kết vùng ABCD sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện sứ mệnh phát triển kinh tế, nâng tầm cuộc sống cho người người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng.

Thành Nhơn - Cổng TTĐT Tỉnh