Xuất bản thông tin

null Chuyển đổi số - “Chìa khóa” cho nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh

Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Chuyển đổi số - “Chìa khóa” cho nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh

Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với tất cả ngành, lĩnh vực trong thời đại 4.0 và là xu thế toàn cầu, ngành nông cũng không ngoại lệ. Tại Đồng Tháp, tỉnh đã ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Điều này mang lại lợi ích như thế nào, những bước đi, lộ trình cụ thể ra sao, sẽ được làm rõ qua cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao Đồng Tháp phải chuyển đổi số ngành nông nghiệp và những nội dung chính được xác định phải thực hiện trong Đề án Chuyển đổi số là gì?

Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Nguyễn Phước Thiện: Nông nghiệp cũng chính là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Tháp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và những yêu cầu đặt ra từ thị trường đã tạo nên những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, thách thức của ngành thì cần thiết phải có sự đổi mới và chuyển đổi số chính là một trong những “chìa khóa” hữu hiệu.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp là quá trình chúng ta ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp hàng triệu hộ nông dân Đồng Tháp tiếp cận, cập nhật kiến thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới để thay đổi, hòa nhịp xu thế phát triển mới.

Thời gian qua, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý. Tuy nhiên chỉ mang tính chất bước đầu, thiếu sự đồng bộ và quy mô còn nhỏ. Do đó, Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đề án có 03 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý; số hóa quy trình xử lý – báo cáo – lưu trữ dữ liệu thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh (thiết bị di động, máy tính,…) từ cấp xã lên cấp huyện, cấp huyện lên cấp tỉnh. Trực quan hóa dữ liệu báo cáo của tất cả lĩnh vực dưới dạng biểu đồ, bản đồ, hình ảnh. Hỗ trợ quản lý dữ liệu sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc thuộc phân hệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ứng dụng công nghệ số vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong việc thiết lập, giám sát.

Ở giai đoạn 2 hướng đến tự động thu thập, xử lý, thống kê số liệu tiến độ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám. Thông qua thiết bị giám sát IoT thống kê tự động dữ liệu dịch hại trên cây trồng, chỉ tiêu chất lượng nước, giám sát lũ. Ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI – Artificial Intelligence dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch hại ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Giai đoạn 3, kết hợp công nghệ GIS cùng với giải thuật trí tuệ nhân tạo dự báo sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản nhằm chủ động thị trường tiêu thụ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng nông sản. Đề án hướng tới tính đồng bộ, thống nhất dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, đồng thời chia sẻ dữ liệu nông nghiệp số của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, tạo thành nền tảng nông nghiệp số quốc gia, giúp các địa phương trong vùng tối ưu hóa quá trình sản xuất, cũng như phát huy thế mạnh nông nghiệp từng tỉnh, thành.

Phóng viên: Đối với chủ thể chính là người nông dân sẽ được hưởng lợi ích gì từ Đề án chuyển đổi số nông nghiệp?

Ông Nguyễn Phước Thiện: Chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng hình thành mối liên kết 4 nhà (cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất) và kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững.

Mặt khác, chuyển đổi số ngành nông nghiệp góp phần hiện thực hoá mục tiêu tiếp tục thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tạo ra giá trị mới trong sản xuất.

Qua chuyển đổi số còn phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn tiệm cận với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số còn giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Thông tin quản lý ngành nông nghiệp được cập nhật lên hệ thống vdapes.com

Phóng viên: Được biết, chuyển đổi số nông nghiệp cũng sẽ xoay quanh 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Vậy chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 như thế nào?

Ông Nguyễn Phước Thiện: Về chính quyền số, đến năm 2025 sẽ có 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4 và 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.

Về kinh tế số, ngành sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã). Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Phấn đấu xây dựng 07 làng thông minh, 07 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15 - 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử. Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; về thông tin thị trường,...) thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số. 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn hỗ trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về xã hội số, sẽ hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, mua bán trực tuyến.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp mang tính đồng bộ, nhất là sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của doanh nghiệp và người sản xuất. Cùng với đó, kế thừa và phát triển trên cơ sở nền tảng chuyển đổi số của tỉnh thuộc Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 làm tiền đề thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và công tác lưu trữ dữ liệu ngành nông nghiệp sau khi được số hóa.

Phóng viên: Những công việc cụ thể trong năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện chuyển đổi số của ngành là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Thiện: Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phát triển ứng dụng thuộc hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số, hướng đến phục vụ đối tượng tiếp cận và thụ hưởng là người nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã v.v., cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh, đến huyện, xã, nhằm số hoá nhật ký canh tác (cho phép ghi nhận thông tin canh tác, các thông tin về vật tư đầu vào, thông tin về mùa vụ sẽ được tự động cập nhật).

Cụ thể, tiếp tục phát triển phân hệ nhật ký canh tác số, cho phép ghi nhận thông tin canh tác, các thông tin về vật tư đầu vào, thông tin về mùa vụ sẽ được tự động cập nhật; phân hệ phần mềm thu thập, quản lý và khai thác thông tin, nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản; phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản, thủy sản và vật nuôi.

Ứng dụng trên điện thoại di động tích hợp dãy thuật trí tuệ nhân tạo giúp đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu canh tác thông qua chụp ảnh và quét mã vạch, dữ liệu canh tác tự động đưa về hệ thống quản lý trung tâm, do đó việc quản lý và truy xuất nguồn gốc từ vật tư đầu vào – sản xuất – chế biến (sản phẩm chính, sản phẩm phụ) – phân phối – cuối cùng là người tiêu dùng. Tích hợp, đồng bộ hóa trang web “dongthapxanh.vn” vào hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số. Triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất giúp thu thập dữ liệu tự động và số hóa quy trình canh tác tại một số mô hình thí điểm cho các sản phẩm chủ lực như cá sặc rằn và một loại vật nuôi được chọn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!