Xuất bản thông tin

null Chuyển đổi số - chìa khóa phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà

Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Chuyển đổi số - chìa khóa phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà

ĐTO - Đồng Tháp xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân. Đây được xem là con đường ngắn nhất để tỉnh phát triển nhanh, ngày càng hiện đại, giàu mạnh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp

Chuyển đổi số là động lực phát triển của tỉnh

Hướng đến xu thế chung của xã hội, những năm qua, Đồng Tháp triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong hoạt động cơ quan nhà nước như hệ thống phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, tổng đài 1022... góp phần rất lớn trong việc xây dựng chính quyền công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Đây còn là yếu tố góp phần giúp cho tỉnh duy trì thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX)...

Hiện nay, chuyển đổi số là một thực tế khách quan mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải thích nghi. Đây còn là động lực mới, “chìa khóa” để giải quyết những “điểm nghẽn”, mở ra không gian phát triển mới.

Trên tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp; UBND tỉnh ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định 861/QĐ-UBND-HC ngày 5/8/2022. Nghị quyết xác định: “Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đề án xác định “Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, nhận thức về chuyển đổi số đóng vai trò quyết định. Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số, chính sách và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt, hợp tác là giải pháp quan trọng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của doanh nghiệp và toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số”.

Để triển khai chuyển đổi số thành công, tỉnh đặt ra nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng. Trong đó, bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công; hợp tác, tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế - xã hội cả trong và ngoài tỉnh để chuyển đổi số; đảm bảo việc chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội; có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội để chuyển đổi số mạnh mẽ.

Định hướng chuyển đổi số của tỉnh

Với mục tiêu đặt ra, phấn đấu đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong top 25 và đến năm 2030, Đồng Tháp nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước. Theo Đề án Chuyển đổi số, tỉnh đặt ra 4 nhóm với 107 nhiệm vụ ưu tiên triển khai chuyển đổi số.

Theo đó, Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số với 4 trụ cột chính (nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số). Trong đó, chính quyền số sẽ kết nối và liên thông giữa các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền nhằm tạo sự thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân; tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời tinh giản một số dịch vụ không cần thiết; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ; triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí và thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với kinh tế số được tỉnh tiếp cận theo khái niệm kinh tế số phạm vi rộng (Broad scope), bao gồm: ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ... Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ban hành tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

 Về xã hội số, Đồng Tháp sẽ tập trung tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng của chuyển đổi số trên các kênh truyền thông. Đồng thời xây dựng chương trình đào tạo, phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân; hình thành đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tích cực tham gia các lớp huấn luyện về chuyển đổi số do Trung ương tổ chức để đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh...

Chuyển đổi số đi sâu trong các lĩnh vực

Với cột mốc khai trương Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của tỉnh nhà trong công cuộc chuyển đổi số. Việc đưa vào vận hành Trung tâm thể hiện rõ quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc xây dựng một chính quyền phục vụ người dân, vì người dân; là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi đột phá trong hoạt động của chính quyền tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến được triển khai đến 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; cung cấp 787 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, đạt 42,2% so với tổng số thủ tục hành chính của tỉnh.

Đồng Tháp có tỷ lệ thuê bao điện thoại di động cao (tỷ lệ 118,5%), trong đó, 70,5% thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone; gần 60% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định và 81,4% người dân tiếp cận, sử dụng Internet; 100% doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối internet băng rộng cố định. Toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu tài khoản Zalo cá nhân, 74 tài khoản Zalo OA và rất nhiều tài khoản Facebook, Instagram, giúp cho việc kinh doanh trực tuyến, trao đổi công việc của các tổ chức, cá nhân được thuận tiện, nhanh chóng.

Trong lĩnh vực thương mại, xác định xu hướng phát triển thương mại điện tử là nhu cầu tất yếu, ngay từ năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh. Qua gần 10 năm triển khai, hỗ trợ cho các doanh nghiệp với gần 1.500 lượt người tham gia các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng thương mại điện tử; hỗ trợ 12 doanh nghiệp thiết lập website, sử dụng thư điện tử với tên miền dùng riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên mạng internet; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki, Postmart, Voso; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4... Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ được lợi ích của thương mại điện tử và chủ động hơn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục, 100% trường học các cấp đã kết nối Internet băng rộng và sử dụng phần mềm quản lý trường học (quản lý thông tin học sinh, giáo viên, quản lý kết quả học tập...). Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai hiệu quả trong các trường học, đặc biệt trong công tác dạy, học trực tuyến.

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, 100% bệnh viện, trung tâm y tế huyện sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế xã, phường sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đưa vào vận hành Hệ thống Hội chẩn y tế từ xa giữa các bệnh viện trong tỉnh. Ngoài ra, triển khai ứng dụng di động Y tế Đồng Tháp cho phép người dân tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ của ngành y tế trên môi trường mạng. Hiện, tất cả các bệnh viện trên toàn tỉnh đã triển khai dịch vụ tiếp nhận đặt hẹn khám theo giờ từ xa thông qua ứng dụng di động này. Với những tín hiệu tích cực trên, ngành y tế tỉnh có sự sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong thời gian tới.

Với những định hướng đúng đắn cùng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.